Cử nhân sư phạm về quê lập trang trại phát triển kinh tế

19/11/2018

Cử nhân sư phạm về quê lập trang trại phát triển kinh tế

NDĐT - Tốt nghiệp cử nhân sư phạm loại giỏi, chàng thanh niên vùng đất đỏ Nghĩa Đàn (Nghệ An) không theo đuổi nghiệp dạy học mà trở về quê trồng rừng, phát triển kinh tế có nguồn thu nhập lớn.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường mới đắp lên đỉnh đồi, chung quanh là những rừng keo lai ngút ngàn, cao từ 4 đến 5 m, anh Nguyễn Mạnh Tuấn, ở Xóm 6, xã Nghĩa Thịnh (huyện Nghĩa Đàn) cho biết: “Đất ở đây phù hợp cho cây keo lai, chỉ cần đầu tư khoảng 10 đến 12 triệu đồng/ha, sau chu kỳ khoảng năm năm cho thu hoạch. Với giá hiện nay, trừ chi phí còn lãi hơn 60 triệu đồng/ha”. Với 10 ha rừng này, Tuấn cùng gia đình lại có thêm một khoản thu nhập sáu bảy trăm triệu đồng. Đây là một khoản tiền mà trước đây, người dân ở vùng núi miền tây Nghệ An này ước mơ.

Vừa đi, vừa tranh thủ dùng dao phát quang cây hai bên đường, Tuấn tâm sự: Khi còn học phổ thông, trong suy nghĩ của Tuấn cũng như bao bạn trẻ cùng trang lứa ở vùng đất đỏ Nghĩa Đàn này đều chung một suy nghĩ và quyết tâm, chỉ có con đường học vấn mới giúp mình vững bước trên đường đời. Thế rồi, Tuấn miệt mài học tập, thi đậu vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Lúc đó, cả nhà ai cũng vui, và hy vọng, Tuấn sẽ thoát ly khỏi cảnh rừng rú, gian khó này. Nhưng đến năm 2013, cầm tấm bằng tốt nghiệp ngành Sinh học loại giỏi trên tay, không khó để Tuấn kiếm một công việc ổn định, cho nhàn cái thân ở phố thị, mà anh trăn trở và quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Bởi chàng trai cử nhân trẻ nhận thấy ở quê nhà có tiềm năng đất đai, đồi núi nhiều, con người cần cù chịu khó, nhưng vẫn còn đó những khó khăn vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Bằng những kiến thức đã được học, Tuấn tính toán và quyết chí làm giàu bằng nghề trồng rừng, phát triển trang trại chăn nuôi...

Tuấn tâm sự: Xuất thân từ gia đình làm nghề lâm nghiệp, từ khi còn nhỏ, tôi đã mê rừng. Bố mẹ tôi đã từng nhận khoán trồng và khoanh nuôi bảo vệ hàng chục ha rừng cho lâm trường. Sau khi lâm trường bàn giao đất rừng lại cho địa phương, tôi bàn với gia đình nhận hơn 10 ha rừng để phát triển kinh tế. “Trước đây, sau mỗi buổi học là tôi lại cầm dao, cuốc lên rừng trồng cây cùng bố mẹ; đúng là vừa đi học, vừa làm như thế mà cũng không thấy mệt…”

Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình trồng rừng của anh Tuấn.

Với kinh nghiệm của gia đình nhiều năm làm nghề rừng, Tuấn cùng gia đình tiếp tục đầu tư cải tạo rừng. Toàn bộ đất rừng được quy hoạch lại. Phía trên đỉnh, trồng các loại giống gỗ quý như: lim, lát; phía dưới trồng keo lai, bạch đàn vừa để phát triển kinh tế gia đình vừa giúp người dân nâng cao ý thức về việc bảo vệ rừng, chống biến đổi khí hậu. Ở khu vực bìa rừng, Tuấn lập trang trại chăn nuôi lợn, gà để lấy nguồn nuôi rừng.

Sau hơn bốn năm ra trường, cần cù, chịu khó, Tuấn đã cùng với gia đình cải tạo trồng mới được hơn 10 ha rừng. Trang trại chăn nuôi luôn có hơn 70 con lợn béo cùng hàng trăm con gà ri các loại. Với thương hiệu gà thả rừng của Tuấn đã được các nhà hàng trên địa bàn vào tận nơi lùng mua. Mỗi năm Tuấn xuất bán ba đợt với hơn 200 con lợn cùng hơn một nghìn con gà cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể từ nguồn thu nhập từ trồng rừng.

Không chỉ giỏi phát triển kinh tế, Nguyễn Mạnh Tuấn được mọi người biết là một cán bộ đoàn năng động, nhiệt huyết trong các phong trào hoạt động của tổ chức đoàn cũng như phát triển kinh tế của địa phương. Bí thư đoàn xã Nghĩa Thịnh Nguyễn Thị Thu Hướng cho biết: “Với sự cần cù, chịu khó và quyết tâm làm giàu, Nguyễn Mạnh Tuấn đang có những bước đi vững chắc, trở thành tấm gương trong phong trào lập thân, lập nghiệp ở địa phương”.

Trước khi chia tay, Tuấn quả quyết: “Trước đây, tôi nghĩ học xong đại học muốn thành công phải ở lại thành phố lập nghiệp. Nhưng thực tế đã chứng minh, chỉ cần có kiến thức, sự đam mê, cùng với quyết tâm thì có thể thành công ngay trên chính quê hương mình. Quyết định về quê trồng rừng kết hợp chăn nuôi, với tôi là lựa chọn sáng suốt.”. Chúng tôi rất mong nhiều bạn trẻ có suy nghĩ và hành động giống Tuấn.

THÀNH CHÂU – MINH THÁI
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: